LÀM TỪ THIỆN NHƯ THẾ NÀO ĐỂ NHẬN PHƯỚC BÁU NHIỀU NHẤT?

Trước giờ thầy hướng dẫn các bạn làm từ thiện thì thầy luôn dùng PHƯỚC BÁU để làm mồi câu, cốt yếu để đưa các bạn vào con đường thiện lành, để các bạn tập làm quen với việc thiện nguyện dần dần. Nhưng đến nay các bạn đã đi làm từ thiện được một thời gian, đã dần thấm nhuần và yêu thích công việc này rồi, nên thầy thấy đã đủ duyên lành để chia sẻ với các bạn những điều cao quý hơn, đó là lý do hôm nay thầy muốn chia sẽ và gởi gấm ở các bạn nhiều hơn.

Đức Phật dạy chúng ta rất nhiều giáo lý trong tam tạng kinh sách, nhưng cốt yếu chỉ xoay quanh 3 việc: Tránh ác, làm lành, giữ tâm trong sạch. Trong 3 việc này, việc khó nhất chính là GIỮ TÂM TRONG SẠCH, chúng ta lánh ác & làm lành cũng chỉ vì muốn giữ tâm trong sạch. Giữ tâm trong sạch mới dẫn đến giác ngộ, giải thoát.

Vậy mục đích làm từ thiện của chúng ta là gì? Là vì xây dựng phước báu để bản thân giàu có và hạnh phúc hay vì muốn san sẻ gánh nặng với xã hội hay ta muốn xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. 
Làm từ thiện vì lợi ích cá nhân hay vì lòng từ bi?

Thầy đã làm từ thiện cùng Thầy Huỳnh Mai gần 10 năm nay, thầy thấy rõ được tất cả kết quả mà các sư huynh, sư tỷ, đệ, muội của thầy nhận được sau từng ấy năm thiện nguyện. Có những người ngày càng phát triển, giàu có, thịnh vượng. Nhưng cũng có những người phước báu vừa trổ đã hết, lận đận mãi không tiến thân được. Có người còn tệ hơn, không đi lên được mà còn đi xuống. Nếu nhìn về hành động thì họ hành động như nhau, họ đóng góp không khác gì nhau, vậy khác là ở đâu mà mỗi người mỗi kết quả như vậy? Sau nhiều năm quan sát thầy nhận ra được, tất cả đều nằm ở TÂM của chúng ta.

Chúng ta làm việc thiện nguyện tức là đang đi gieo những hạt giống tốt đẹp, hạt giống lành thì nhất thiết sẽ cho ra quả ngọt. Tuy nhiên, nếu khi chúng ta làm việc thiện nguyện mà tâm chúng ta lại không hướng về sự từ bi. Chúng ta làm từ thiện trong sự tính toán, mong cầu phước báu, làm việc thiện mà lựa chọn cái nào đang cần, cái nào không cần, làm từ thiện nhưng tâm không trong sạch, sân si, ganh ghét, để ý người này làm nhiều, người kia làm ít, thằng này giàu mà làm từ thiện có mấy đồng lẻ, thằng kia không góp tiền mà đi đâu cũng có mặt.... Tức là các bạn đang vừa gieo nhân lành, cũng vừa gieo nhân ác. Giống như, các bạn đang chăm sóc những cây thiện lành của mình bằng thuốc trừ sâu và phân hóa học. Cây vẫn ra quả sum suê, nhưng quả này sẽ khiến các bạn bị ngộ độc, hưởng quả càng nhiều thì chết càng nhanh mà thôi.

Nhất là những người làm từ thiện vì danh, khoe khoang, làm ít nói nhiều, thì sẽ hoàn toàn không có phước báu. Vì vậy, sự thật đau lòng là không phải làm phước thì sẽ có phước. Chúng ta làm thiện thì phải đi kèm với tâm thiện, thì phước báu của chúng ta mới thật sự trổ quả ngọt lành, trong sạch được.

Tất nhiên, thầy đồng tình là nếu chúng ta đang gặp khó khăn trong cuộc sống thì khi làm phước thiện, chúng ta cũng hy vọng việc này sẽ giúp chúng ta thay đổi cục diện, cuộc sống tốt đẹp hơn, điều này hoàn toàn không có gì sai trái. Nhưng thầy muốn hướng dẫn các bạn dù có như vậy, thì các bạn cũng phải đặt tâm từ bi lên trước nhu cầu bản thân, phải hạnh phúc vì sự hạnh phúc của người khác trước, phải cảm thấy ý nghĩa tràn trề trong việc làm của mình, làm với tâm trong sạch không quá mong cầu, cái gì đến chắc chắn nó sẽ đến.

Tích tụ đủ năng lượng, năng lượng đủ lớn thì xoay chuyển càn khôn. Tránh xa việc chỉ làm từ thiện có vài lần, rồi than thở sao làm hoài mà không thấy kết quả, với ý nghĩ đó thì cả đời này cũng không bao giờ thấy kết quả.

Cũng đừng làm một cách cố sát, thấy người khác làm nhiều mà mình làm ít thì sợ người ta cười. Ý nghĩ đó càng không nên, làm từ thiện phải tùy hỷ, tùy tâm, tùy khả năng (thuận duyên & tùy duyên). Quan trọng nhất vẫn là nuôi dưỡng thiện căn trong mỗi chúng ta.

Làm việc gì muốn thành cũng cần NHẪN, VÔ NHẪN BẤT THÀNH NHÂN. Cứ làm mọi việc tốt đẹp bằng tâm trong sạch, thiện lành, không mong cầu, không sân si, không cố chấp, không ngó nghiêng, đến một ngày đẹp trời, các bạn sẽ thấy mọi điều tốt đẹp đến với mình, mọi mong cầu đều đạt được một cách tự nhiên. Mà chính bản thân thầy và gia đình thầy là minh chứng rõ ràng nhất.

Nếu xét rộng ra, việc từ thiện chỉ đơn giản là phát tâm mà chính là nghĩa vụ của chúng ta đối với xã hội. Chúng ta được sinh ra, lớn lên, được ăn học, được lập nghiệp từ kiếp này qua kiếp khác, từng miếng ăn, từng tất đất chúng ta đang sống chính là do quốc gia, dân tộc, do xã hội ban cho. Vì vậy, việc chúng ta dùng một phần thu nhập và công sức của mình đóng góp lại cho xã hội cũng là lẽ dĩ nhiên. Việc này cũng không khác gì chúng ta đang đóng thuế cho xã hội, và nếu ai keo kiệt trốn thuế thì đến khi bị phạt còn phải đóng phạt nhiều gấp mấy lần. Cũng như vậy, nếu chúng ta có vô mà không có ra thì một ngày sẽ sình bụng, tiền bạc, vật chất, thậm chí hạnh phúc, công danh cũng sẽ mất dần, đó là cách mà vũ trụ đòi lại những gì chúng ta đã tiêu thụ. Vậy thì thay vì đợi bị đòi, chúng ta hoan hỉ hành thiện, tích đức không phải hơn hay sao.

Ông bà ta có câu: SỐNG CÓ ĐỨC MẶC SỨC MÀ ĂN. Chứ không ai nói SỐNG CÓ PHƯỚC MẶC SỨC MÀ ĂN cả. Bởi chính ĐỨC mới sanh PHƯỚC, có Phước mà không có Đức thì hết phước bị đọa. Nhưng nếu chúng ta có đức thì phước sẽ sinh trổ liên tục không bao giờ ngừng. Cũng giống như việc chúng ta trồng cây mít, cây mít sẽ cho trái liên tục, và cho dù chúng ta hái hết quả, tỉa cành, chiết cành thế nào thì cây mít cũng lên quả từ năm này qua năm kia. Nhưng nếu chúng ta ra chợ mua trái mít về ăn thì ăn hết sẽ không còn gì để ăn nữa. Nên từ hôm nay, hãy đi trồng cây, chăm gốc, chứ đừng chỉ hái quả.

Nói sâu hơn, theo Phật Pháp, Từ thiện chính là Bồ Tát Hạnh, là một pháp môn tu hành. Chúng ta dùng việc bố thí, giúp người để quán chiếu cuộc sống, thấu triệt cõi thường, luyện tâm trong sạch, bỏ danh lợi cầu đạo mầu, từ đó mà giác ngộ, giải thoát. Đó mới chính là con đường cuối cùng, là mục tiêu lớn nhất của sự thiện nguyện, chứ không phải là tích lũy một chút phước báu để chúng ta hưởng lạc. Dù bạn làm việc ĐẠI THIỆN, có thể bỏ xác phàm lên cõi trời đi nữa thì vẫn nằm trong LỤC ĐẠO LUÂN HỒI. Chư thiên ở các cõi trời cũng đều phải tích cực tu hành để không hết phước đọa lạc, để đến những cảnh giới cao hơn.

Thầy mong mọi người có duyên trên mỗi chuyến xe ngày chủ Nhật hãy lan tỏa thông điệp mà thầy chia sẻ để cộng đồng của chúng ta hiểu rõ sự nhiệm màu của công tác thiện nguyện là ở đâu, và biết cách làm từ thiện cho đúng đắn để đạt kết quả mỹ mãn nhất.

Nguyễn Ngoan - MANDALA Phong thủy

Bình luận